Hiện nay, nông dân địa bàn huyện Quế Võ tập trung thu hoạch khoai tây vụ đông. Theo đánh giá, vụ khoai tây đông năm nay đạt năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế cao, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, đưa thương hiệu “Khoai tây Quế Võ” trở thành sản phẩm được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn.
Những ngày này, tại nhiều xứ đồng thôn Trại Đường, xã Nhân Hoà, không khí thu hoạch khoai tây nhộn nhịp, đông vui, khẩn trương. Vụ Đông năm nay, gia đình ông Nguyễn Đức Khiên trồng hơn 4 mẫu khoai tây bằng giống Marabel. Ông Khiên cho biết: “Đến nay, gia đình thu hoạch xong 3,5 mẫu khoai tây, năng suất đạt từ 8-9 tạ/sào, tăng khoảng 1 tạ/sào so với vụ Đông năm trước. Mỗi sào bán tại ruộng được khoảng 12 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 3-4 triệu đồng. Với 4 mẫu trồng khoai tây dự kiến gia đình có thu nhập hơn 100 triệu đồng”. Cùng với gia đình ông Khiên, các hộ gia đình trên địa bàn huyện Quế Võ đang tập trung thu hoạch nhanh gọn diện tích khoai tây để triển khai kế hoạch sản xuất vụ Xuân kịp thời vụ. Vụ Đông năm 2022, toàn huyện Quế Võ gieo trồng được hơn 1.600 ha khoai tây, chiếm gần 80% tổng diện tích cây khoai tây vụ Đông toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã: Việt Hùng, Nhân Hòa), Đại Xuân, Bồng Lai, Quế Tân, Phù Lương.
Ông Ngô Đăng Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Võ cho biết: “Vụ đông năm nay thời tiết không thuận lợi cho khoai tây sinh trưởng, phát triển do nền nhiệt độ cao, đầu vụ thời tiết mưa nhiều. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo tập trung của Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, các xã và sự cố gắng, nỗ lực của nông dân, diện tích khoai tây của huyện Quế Võ sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh phát sinh, gây hại, đạt năng suất cao. Để đạt được năng suất trên, ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo các xã hướng dẫn nông dân thu hoạch nhanh gọn đối với diện tích lúa mùa, tập trung làm đất, chuẩn bị đầy đủ nguồn giống, vật tư trồng khoai tây vụ Đông trong khung thời vụ. Trong đó, thực hiện hiệu quả cơ giới hóa trong khâu làm đất, vun xới… Toàn huyện hiện có 14 Tổ dịch vụ với hơn 50 máy làm đất; xây dựng được 45 kho lạnh bảo quản, cung cấp hơn 2.000 tấn giống khoai tây chất lượng cao như Marabel, Solara, KT2 sạch bệnh… cho nông dân. Huyện triển khai xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất đến tiêu thụ theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn các hộ dân áp dụng quy trình sản xuất khoai tây sạch, an toàn ngay từ khâu chọn giống đến trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và bảo quản khoai tây. Toàn huyện cũng xây dựng được 30 vùng sản xuất khoai tây thương phẩm theo quy trình an toàn với diện tích gần 300ha để nhân rộng cho các vụ sau. Bước vào thời kỳ thu hoạch, với sự chỉ đạo tập trung theo phương châm thu hoạch nhanh để giải phóng đất gieo cấy lúa xuân, đến ngày 16-1, toàn huyện thu hoạch được khoảng 90% diện tích. Giá khoai từ đầu vụ đến nay dao động ở mức 11.000 - 12.000đồng/1kg, tăng hơn so với năm ngoái khoảng 1.000 - 1.500đ/kg, vì vậy bà con nông dân rất phấn khởi”.
Khoai tây Quế Võ được công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2016, đến nay, có 3 HTX nông nghiệp cùng hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn được trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Khoai tây Quế Võ”. Đây cũng là 1 trong 6 sản phẩm chủ lực được công nhận sản phẩm OCOP của huyện. Để thương hiệu khoai tây Quế Võ ngày càng khẳng định được thương hiệu và phát triển bền vững, trong các vụ tiếp theo, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện để khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây khoai tây chuyên canh, quy mô vùng, áp dụng quy trình sản xuất sạch, theo hướng VietGAP và đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn của Chương trình OCOP; chủ động sản xuất, cung cấp đủ nguồn giống chất lượng cho nông dân; tăng cường hoạt động kết nối tiêu thụ và quảng bá để sản phẩm khoai tây Quế Võ có thể đến tay đông đảo người tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu.
Nguồn: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-kinh-te/-/details/20182/que-vo-uoc-mua-khoai-tay-ong
Nhận xét
Đăng nhận xét