Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm dưới 3% tổng GRDP nhưng luôn được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao. Sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường, đem lại những sản phẩm tốt cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường và thu nhập ổn định cho người nông dân. Với xu thế phát triển này, Bắc Ninh có nhiều chính sách như dồn điền đổi thửa, hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật phát triển nông nghiệp xanh.
Trên định hướng này, Bắc Ninh đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp đô thị, quy hoạch vành đai xanh nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ven đô-nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Tháng 7-2022, HĐND tỉnh Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 07 về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chương trình OCOP và các ngành nghề nông thôn được xác định là bước tiến mới cho sản xuất nông nghiệp Bắc Ninh, khắc phục được những bất cập của các Nghị quyết được ban hành trước đây về hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời có điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế. Trong đó, một trong những thay đổi dễ nhận thấy nhất là phân cấp triệt để cho cấp xã để người dân dễ tiếp cận và thụ hưởng chính sách.
Để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện thay đổi tư duy, cách làm hướng đến nền nông nghiệp xanh, an toàn, chất lượng, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2022/ NQ-HĐND, quy định hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó: Hỗ trợ 50% giá giống cho các vùng sản xuất lúa năng suất cao, chất lượng cao tập trung; hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất trong 01 năm đầu sau khi được cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân sản xuất hữu cơ. Mức hỗ trợ tối đa 25 triệu đồng/ha; hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/giấy chứng nhận VietGAP; không quá 50 triệu đồng/giấy chứng nhận GlobalGAP hoặc sản phẩm phù hợp Tiêu chuẩn Quốc gia hoặc Quốc tế về nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ tối đa 3 tỷ đồng/dự án đổi mới trang thiết bị, dụng cụ tiên tiến, nghiên cứu cải tiến, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/xây dựng nhà lưới, 2 tỷ đồng/xây dựng nhà màng, nhà kính phục vụ sản xuất; hỗ trợ 50 triệu đồng/ha cho tổ chức, cá nhân thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa; hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, OCOP và ngành nghề nông thôn. Ngoài ra còn các hỗ trợ khác về xâu dựng nhãn hiệu sản phẩm, tín dụng, thưởng cho các sản phẩm tham gia chương trình OCOP…
Sở hữu 15 ha đất bãi chuyên trồng cam canh cho hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Văn Thanh thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành được đánh giá là hộ khai thác đất bãi hiệu quả. Những ngày áp Tết, gia đình ông phải huy động trên 50 lao động thu hái cam để giao cho các chủ đầu mối nông sản với số lượng cả trăm tấn. Ông Thanh chia sẻ, từ chính sách hỗ trợ của tỉnh và đón lợi thế ven sông Đuống, nằm trong vùng du lịch tâm linh Chùa Dâu-Bút Tháp- Kinh Dương Vương, đặc biệt là tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái ven sông Đuống, ông đang xây dựng kế hoạch phát triển trang trại trở thành điểm du lịch sinh thái đón du khách tham quan trải nghiệm.
Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị Bắc Ninh đến năm 2045, nông nghiệp được xác định là vùng dự trữ năng lượng, là vùng đệm cho kinh tế của tỉnh phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc hoàn thành quy hoạch ổn định các vùng sản xuất nông nghiệp; quy hoạch nông thôn, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến, sinh thái, kinh tế trang trại tập trung sẽ được ưu tiên tập trung. Đặc biệt, với gần 2.000 ha đất bãi dọc sông Đuống, đây là điều kiện thuận lợi để hình thành vành đai xanh 2 bên bờ sông Đuống, tạo đà cho nông nghiệp phát triển bền vững.
Được biết Bắc Ninh đang triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn tại làng Diềm (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), làng tranh Đông Hồ (Song Hồ, Thuận Thành) và làng gốm Phù Lãng (Quế Võ). Đồng thời, phát triển nông nghiệp gắn với nâng cao đời sống nhân dân với mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân của cư dân nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 10%; tỉ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70%. Xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu và đáp ứng tiêu chí đô thị; trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (có khoảng 65% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, trên 30% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; công nhận ít nhất 100 mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn huyện Nông thôn mới nâng cao/huyện Nông thôn mới kiểu mẫu). Đặc biệt tạo cảnh quan môi trường sinh thái và du lịch, dịch vụ đô thị dọc sông Đuống.
Nguồn: http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-kinh-te/-/details/20182/nhieu-chinh-sach-ho-tro-ua-nong-nghiep-bac-ninh-phat-trien
Nhận xét
Đăng nhận xét