Từ năm 2019, Chi cục Thủy sản Bắc Ninh đã triển khai Đề tài: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thâm canh cá tầm thương phẩm bằng lồng trên sông” được Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai tại 2 hộ nuôi với quy mô 4 nghìn con tại huyện Gia Bình và huyện Thuận Thành.
Bắc Ninh có lợi thế về phát triển thủy sản nước ngọt với hệ thống sông Cầu, sông Thái Bình, sông Đuống cùng hàng nghìn ha chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi trồng thủy sản. Nhiều năm qua, tại các địa phương trong tỉnh tích cực phát triển một số giống thủy sản mới nhằm thay đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, hướng đến giá trị bền vững.
Từ năm 2019, Chi cục Thủy sản Bắc Ninh đã triển khai Đề tài: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thâm canh cá tầm thương phẩm bằng lồng trên sông” được Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai tại 2 hộ nuôi với quy mô 4 nghìn con tại huyện Gia Bình và huyện Thuận Thành. Đề tài được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thể phát triển đối với các hộ nuôi cá lồng trên sông.
Bắc Ninh tận dụng hệ thống sông phát triển nuôi thủy sản chất lượng cao, trong đó có nuôi cá tầm trong lồng bè trên sông.
Gia đình anh Hoàng Huy Tập, thôn Đồng Đoài, xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành) là một trong 2 hộ tham gia đề tài với 2 lồng nuôi, hơn 2.000 con cá tầm/lồng. Thực tế nuôi cho thấy, cá tầm có thể sinh trưởng, phát triển tốt ở sông Đuống bởi nhiệt độ nước sông tại vị trí đặt lồng với độ sâu từ 3,5 m trở lên rất phù hợp cho cá tầm sinh trưởng.
Nhờ tuân thủ đầy đủ hướng dẫn kỹ thuật trong các khâu nuôi và kinh nghiệm sẵn có, sau 12 tháng, cá nuôi của gia đình tôi đạt khoảng 1,8 - 2,5 kg/con. Từ mô hình của Chi cục Thủy sản hỗ trợ, đến nay anh Tập đã phát triển và mở rộng số lồng nuôi lên 5 lồng, 10 nghìn con.
Do là loài thủy sản nước lạnh, chỉ ưa sống và phát triển tốt ở nhiệt độ nước từ 8-22 độ C, cá tầm chủ yếu được nuôi tại các khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, 3 năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại Bắc Ninh đã bắt đầu thành công khi đưa loài cá này về nuôi tại sông Đuống.
Nuôi cá tầm đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật chăm sóc, trong đó nhiệt độ và môi trường nước đóng vai trò quan trọng nhất. Do vậy, lồng cá phải lựa chọn nơi có dòng chảy nhẹ, độ sâu từ 3-3,5m để đảm bảo mát mùa hè, nhưng không quá lạnh vào mùa đông. Trong quá trình chăm sóc, cần cho ăn đúng, đủ liều lượng và thời gian.
Đến nay toàn tỉnh đã có 6 điểm nuôi cá tầm, với 25 lồng nuôi ở các huyện Thuận Thành, Quế Võ, Lương Tài và Gia Bình. Sau hơn 3 năm thực nghiệm mô hình, thực tế cho thấy, đây là hướng đi mới, không chỉ giúp người nuôi trồng thủy sản nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế mà còn bổ sung cơ cấu giống thuỷ sản của tỉnh, hướng tới mục tiêu đa dạng nguồn hàng hoá thương phẩm.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, với hơn 4.800 ha mặt nước đủ điều kiện nuôi trồng thuỷ sản, toàn tỉnh hiện có hơn 2.400 lồng nuôi cá trên sông.
Để khai thác tốt tiềm năng, những năm qua, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh xây dựng mô hình, đưa một số giống thuỷ sản mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng như: cá lăng chấm, lăng đen, cá trình, cá tầm, chuối hoa, nuôi ếch, ba ba…vào thâm canh.
Tuy nhiên, nuôi con đặc sản thường kéo dài thời gian nên cần vốn đầu tư lớn cho con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh… vì vậy, để nhân rộng mô hình, ngoài việc cung ứng con giống tốt, khỏe mạnh, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nuôi trồng, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi giúp nông dân yên tâm đầu tư thời gian, công sức và có thể hạn chế rủi ro tiềm ẩn khi tiếp cận những giống thủy sản mới.
Nguồn: https://danviet.vn/nuoi-ca-tam-tren-song-duong-ai-ngo-dan-bat-len-toan-con-to-bu-ban-dat-tien-2022101720143065.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét